(TAP) - Theo thông tin do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính công bố tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào sáng ngày 05/5 (giờ Việt Nam), phiên đàm phán đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên quan đến chính sách thuế quan mới dự kiến diễn ra vào ngày 07/5.
Việt Nam là một trong sáu quốc gia được phía Hoa Kỳ ưu tiên đồng ý tiến hành đàm phán cùng với Vương quốc Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia. Theo thông tin từ Cổng thông tin Quốc hội Việt Nam, tại kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo của Chính phủ Việt Nam về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Đặc biệt, việc Hoa Kỳ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế. Nhất là việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan đối ứng với mức cao.
Toàn cảnh cuộc họp. Nguồn: Cổng thông tin Quốc hội Việt Nam
Trước đó, ngày 02/4/2025, Hoa Kỳ chính thức áp mức thuế quan 10% đối với toàn bộ quốc gia và thiết lập trần thuế đối ứng ở mức rất cao – trong đó Việt Nam bị áp thuế đối ứng tới 46%. Đến ngày 09/4/2025, Hoa Kỳ thông báo tạm dừng việc áp thuế đối ứng, áp dụng mức thuế tạm thời 10% đối với các đối tác thương mại (ngoại trừ Trung Quốc), đồng thời tạm hoãn thi hành trong 90 ngày. Ngay sau đó, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã có những động thái ngoại giao kịp thời. Tổng Bí thư Việt Nam Tô Lâm đã điện đàm và gửi thư tới Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đồng thời cử Phó Thủ tướng Việt Nam Hồ Đức Phớc giữ vị trí đặc phái viên sang Hoa Kỳ làm việc. Chính phủ Việt Nam cũng nhanh chóng báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tổ chức liên tiếp 10 phiên họp để xây dựng phương án đàm phán, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm ứng phó và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng.
Phát biểu tại kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định Việt Nam phản ứng một cách bình tĩnh, chủ động và linh hoạt trước tình huống phát sinh, bước đầu đạt những kết quả tích cực. Việc được lựa chọn trong nhóm sáu quốc gia ưu tiên đàm phán cho thấy sự đánh giá cao của Hoa Kỳ đối với vai trò và vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam đang tập trung chỉ đạo sát sao Đoàn đàm phán và các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án, chuẩn bị kỹ lưỡng cho tiến trình đàm phán với tinh thần “lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát triển tại kỳ họp. Nguồn: Cổng thông tin Quốc hội Việt Nam
Đưa ra giải pháp của Chính phủ, ông nhấn mạnh cần chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Mỹ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ quán triệt khẩn trương ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Việc này, theo Thủ tướng, nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, ông lưu ý nhiệm vụ khẩn trương xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Về tình hình kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết GDP Việt Nam quý I/2025 ước tăng 6,93% – mức cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025. Nhiều địa phương ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số. Thu ngân sách Nhà nước trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt trên 944.000 tỷ đồng, tương đương 48% dự toán năm và tăng 26,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu vượt 5 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt hơn 6,7 tỷ USD - mức cao nhất trong 5 năm qua, khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như sức ép điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khan trong việc phát triển doanh nghiệp. Xuất khẩu vẫn phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và chịu tác động từ các chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Thị trường bất động sản phục hồi chậm và tiềm ẩn rủi ro.
Trước bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đan xen cùng cơ hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là thời điểm để Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chuyển đổi thị trường xuất khẩu. Với quyết tâm cao, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025 cũng như toàn bộ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025.
Viet Anh