logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Việt Nam công bố 21 loại thuốc bị làm giả

Ngày đăng: 21/4/2025

(TAP) - Liên quan đến vụ án sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn lan rộng trên khắp lãnh thổ Việt Nam do Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế Việt Nam) đã có Công văn số 113/QLD-CL công bố danh sách đầy đủ 21 loại thuốc bị làm giả. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tinh vi ngày càng cao của các loại thuốc giả đang âm thầm len lỏi vào thị trường, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Trong số 21 sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại giả mạo các loại thuốc được Bộ Y tế Việt Nam cấp giấy đăng ký lưu hành, bao gồm:

1. Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg) – SĐK: VD-25305-16, do Công ty cổ phần dược phẩm TW3 sản xuất, dạng lọ nhựa 400 viên.

2. Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg) – SĐK: VD-28109-17, cũng của Công ty cổ phần dược phẩm TW3, dạng lọ nhựa 400 viên.

3. Pharcoter (Codein base 10mg; Terpin hydrat 100mg) – SĐK: VD-14429-11, do Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco) sản xuất, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.

4. Neo-Codion – Sản phẩm giả mạo có hình thức tương tự thuốc thật được cấp phép lưu hành với SĐK: VN-18966-15 (mới: 300111082223), chứa các hoạt chất: Codein base 14,93mg (dưới dạng Codein camphosulfonat 25mg), Sulfogaiacol 100mg, cao mềm Grindelia 20mg; do Công ty Sophartex (Pháp) sản xuất, dạng viên nén bao đường, đóng hộp 2 vỉ x 10 viên.

Việt Nam công bố 21 loại thuốc bị làm giả

16 sản phẩm tại Việt Nam không nằm trong danh mục thuốc được Bộ Y tế Việt Nam cấp giấy đăng ký lưu hành

Các sản phẩm giả trên có thiết kế bao bì tương tự hàng thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh thuốc. Ngoài ra, lực lượng chức năng Việt Nam còn thu giữ 16 sản phẩm không nằm trong danh mục thuốc được Bộ Y tế Việt Nam cấp giấy đăng ký lưu hành với phần lớn mang tên gọi, hình ảnh, công dụng gắn liền các bệnh lý về xương khớp như: Nhức khớp tê bại hoàn; Tui Hua Shen Jing Tong (thuốc thoái hóa Singapore); Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn; Professor’s Pill (khớp xanh); Mujarhabat Kapsul (khớp đỏ); Gai cốt hoàn; Tọa cốt thiên ma thống phong hoàn; Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn; Phong tê nhức Bạch Xà Vương; Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn; Đa xoang mũi; Viên vai cổ; Yuan Bone; Thoái cốt hoàn plus; Thoái hóa nhức khớp hoàn plus; Thoát hóa tọa cốt đơn.

Các sản phẩm sở hữu thiết kế bao bì bắt mắt, tên gọi mang tính "thuốc gia truyền" dễ tạo lòng tin nhưng thực chất không hề được kiểm chứng chất lượng và không có trong hệ thống quản lý dược quốc gia. Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Thái Hòa – Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết kết quả phân tích bước đầu từ Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thuộc Sở đã chỉ ra phần lớn các loại thuốc Đông y giả chủ yếu chứa các hoạt chất giảm đau thông thường. Việc sử dụng những chế phẩm mang lại cảm giác thuyên giảm triệu chứng tức thì, từ đó tạo tâm lý chủ quan khiến người bệnh tiếp tục sử dụng mà không mảy may nghi ngờ. Đáng lưu ý, dù chưa phát hiện thành phần độc hại nhưng nhóm thuốc tân dược giả hoàn toàn không chứa hoạt chất kháng sinh như thông tin công bố trên bao bì. Điều này tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng khi người bệnh không điều trị đúng phác đồ, dẫn đến tình trạng bệnh chuyển biến xấu hoặc kéo dài.

Việt Nam công bố 21 loại thuốc bị làm giả

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam)

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy các đối tượng sản xuất thuốc giả ngày càng tinh vi trong việc sao chép mẫu mã, giả mạo giấy tờ đánh trúng tâm lý người bệnh đang cần thuốc có hiệu quả nhanh, đặc biệt trong các nhóm bệnh như xương khớp, hô hấp, thần kinh. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với sức khỏe, đặc biệt là ở người cao tuổi. Dựa trên thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng, hầu hết các loại thuốc giảm đau xương khớp đều ức chế thành phần tạo lớp nhầy bảo vệ dạ dày, khiến niêm mạc dễ bị tổn thương do axit dịch vị, dẫn đến các triệu chứng như đau loét, buồn nôn, ợ nóng, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp nặng sẽ gây thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí đe dọa tính mạng.

Hơn nữa, việc sử dụng kéo dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ. Không chỉ dừng lại ở hệ tim mạch và tiêu hóa, thuốc giảm đau liều cao còn cản trở quá trình tái tạo sụn, làm giảm mật độ xương, khiến người dùng bị loãng xương, gãy xương và thậm chí dẫn đến biến chứng hoại tử hoặc liệt vận động. Ngoài các ảnh hưởng trên cơ quan nội tạng, việc tự ý sử dụng thuốc gây lệ thuộc tâm lý khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn, suy nhược khi ngừng thuốc.

Việt Nam công bố 21 loại thuốc bị làm giả

Ảnh minh họa

Trước thực trạng trên, người dân cần tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không qua thăm khám hoặc chỉ định của bác sĩ. Việc lựa chọn thuốc nên thực hiện tại các cơ sở y tế và nhà thuốc được cấp phép. Bộ Y tế Việt Nam cũng khuyến cáo, khi nghi ngờ về chất lượng hoặc nguồn gốc thuốc, người dân cần chủ động thông báo cho cơ quan chức năng hoặc tra cứu thông tin giấy phép lưu hành tại cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược.

Phương Vi

Loading comments...

Bài viết liên quan

mới nhất

Quảng cáo

Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px