(TAP) - Một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn vừa bị triệt phá tại Thanh Hóa, Việt Nam. Nhiều loại thuốc bị làm giả tinh vi, trong đó có cả thuốc được cấp phép lưu hành. Vụ việc gây lo ngại về nguy cơ thuốc giả len lỏi vào thị trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thanh Hóa, ngày 16/4 (giờ địa phương), Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá thành công đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả do Nguyễn Tiến Đạt (sinh năm 1991, trú tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (sinh năm 1985, trú tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) cầm đầu. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 14 đối tượng liên quan và thu giữ gần 10 tấn thuốc thành phẩm cùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thanh Hóa
Qua quá trình khám xét, lực lượng chức năng phát hiện 21 loại “thuốc”, trong đó có 4 loại bị làm giả là các sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: 44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter và 52 hộp Neo-Codion. Ngoài ra, còn có 39.323 hộp chứa 17 loại sản phẩm giả khác nghi là thuốc đông dược hoặc các sản phẩm có bao bì ghi công dụng như thuốc chữa bệnh.
Để làm thuốc giả, nhóm đối tượng lập các xưởng sản xuất “chui” sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc như tinh bột, than tre, phụ gia công nghiệp, chất kết dính, chất tạo màu... Chúng tự pha trộn, đóng gói thành thuốc, giả mạo bao bì giống thuốc thật đánh lừa người tiêu dùng. Thay vì phân phối qua kênh chính thức, các loại thuốc giả chủ yếu được bán trôi nổi qua mạng xã hội, livestream bán hàng và một số nhà thuốc tư nhân không đảm bảo điều kiện pháp lý. Trong vòng 4 năm, nhóm đối tượng thu lợi bất chính gần 200 tỷ đồng.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thanh Hóa
Liên quan đến nội dung này, ngày 18/4, ông Đỗ Thái Hòa - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết qua phân tích, xét nghiệm ban đầu của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thuộc Sở Y tế Thanh Hóa, phần lớn hàm lượng trong các loại thuốc đông y giả là thuốc giảm đau. Khi người bệnh mua và uống các loại thuốc này (chủ yếu bệnh xương khớp) cảm thấy hết đau ngay. Vì thế, người bệnh sẽ tin dung, tiếp tục mua thuốc giả mà không hề nghi ngờ. Về nhóm thuốc tây y giả, hiện chưa phát hiện dược tính độc hại nhưng không có dược tính kháng sinh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.
Trung tâm kiểm định thuốc thuộc Sở Y tế Thanh Hóa kiểm nghiệm số thuốc tân dược giả. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thanh Hóa
Ông Hòa cho biết thêm thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, do vậy yêu cầu quản lý nghiêm ngặt. Các sản phẩm do các đối tượng làm giả không xâm nhập được vào trong hệ thống các bệnh viện công lập do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu nên chủ yếu được bán trên mạng, tại kênh bán lẻ.
Trước thực trạng đáng lo ngại trên, Cục Quản lý Dược Việt Nam đã có hướng dẫn cụ thể giúp người dân tra cứu thông tin về thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Người dân có thể truy cập hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Cục Quản lý Dược tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index. Tại mục “Đăng ký thuốc”, chọn “Tra cứu số đăng ký”, sau đó nhập thông tin liên quan như tên thuốc, số đăng ký, cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đăng ký để tra cứu. Hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin về tên thuốc, dạng bào chế, hoạt chất, hàm lượng, cơ sở đăng ký, cơ sở sản xuất, cùng với mẫu nhãn và hướng dẫn sử dụng đã được phê duyệt.
Ngoài ra, để phòng tránh mua phải thuốc giả, Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân:
· Chỉ mua thuốc tại các cơ sở hợp pháp: Ưu tiên các nhà thuốc, quầy thuốc có giấy phép, uy tín, địa chỉ rõ ràng. Tuyệt đối không mua từ chợ, hàng rong, mạng xã hội hay các buổi livestream bán hàng.
· Kiểm tra kỹ bao bì: Bao bì phải còn nguyên vẹn, không rách, không mờ, không có dấu hiệu bị chỉnh sửa. Thông tin như tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký và tên nhà sản xuất phải rõ ràng, không bị tẩy xóa.
· So sánh với mẫu gốc (nếu có): Đối chiếu màu sắc, kiểu chữ, logo để phát hiện điểm bất thường. Quan sát viên thuốc hoặc hộp thuốc – nếu khác so với trước hoặc mô tả từ nhà sản xuất, cần nghi ngờ.
· Sử dụng mã vạch/mã QR: Dùng ứng dụng để kiểm tra thông tin thuốc nếu trên bao bì có in mã.
· Yêu cầu hóa đơn khi mua: Đây là căn cứ truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ khi cần khiếu nại.
· Cảnh giác với thuốc giá rẻ bất thường: Giá thấp bất thường thường là dấu hiệu của thuốc giả.
· Không mua thuốc theo quảng cáo “thần dược”: Tránh tin vào truyền miệng hay quảng cáo trên mạng. Không tự ý mua thuốc, đặc biệt thuốc kê đơn, nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Nếu nghi ngờ thuốc giả, cần ngừng sử dụng ngay, giữ lại vỏ hộp và hóa đơn (nếu có), đồng thời báo ngay cho cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương. Nếu đã sử dụng, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra và theo dõi sức khỏe kịp thời. Sức khỏe là tài sản vô giá. Hãy là người tiêu dùng thông minh, góp phần bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi hiểm họa thuốc giả.
Viet Anh