logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Thương mại điện tử Việt Nam: Sau tăng trưởng là thời kỳ bền vững?

Ngày đăng: 29/4/2025

(TAP) - Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vừa lập kỷ lục với quy mô thị trường 32 tỷ USD trong năm 2024 – một bước tiến mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế số. Nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu. Với hành lang pháp lý mới từ năm 2025, Việt Nam chuẩn bị bước vào một “cuộc đua tốc độ” thực sự và sẽ phát triển nhanh, bền vững từ năm 2026.

Đây là những đánh giá trong Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2025 được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố hôm 25/4 (giờ Việt Nam). Cụ thể, theo VECOM, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển TMĐT. GDP cả nước tăng trưởng 7%, đạt khoảng 476 tỷ USD, trong đó khu vực dịch vụ tăng 7,4%, ngành bán buôn và bán lẻ tăng gần 8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt khoảng 263 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước. Bản thân mảng bán lẻ hàng hóa đã vượt mốc 203 tỷ USD. Đặc biệt, TMĐT chiếm khoảng 12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 10% của năm 2023. Riêng bán lẻ trực tuyến đạt 22,5 tỷ USD, tăng mạnh 30% so với năm trước, chiếm 11% tổng bán lẻ hàng hóa.

Thương mại điện tử Việt Nam: Sau tăng trưởng là thời kỳ bền vững?

Tổng quan về TMĐT Việt Nam trong Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2025 của VECOM

VECOM nhận định thương mại điện tử Việt Nam trải qua ba giai đoạn chính: Giai đoạn hình thành (1998–2005): Tập trung xây dựng hạ tầng công nghệ và thiết lập khung pháp lý như Luật Giao dịch điện tử, Luật CNTT, Luật Thương mại...; Giai đoạn phổ cập (2006–2015): TMĐT dần trở nên quen thuộc với người dân, số lượng người mua sắm trực tuyến tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu tư vào website, tên miền ".vn"; Giai đoạn tăng trưởng nhanh (từ 2016 đến nay): Bất chấp đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu, TMĐT vẫn tăng trưởng mạnh. Từ quy mô 4 tỷ USD năm 2015, ngành này đã tăng trưởng gấp 8 lần chỉ sau chưa đầy một thập kỷ.

Tiếp nối, VECOM đánh giá năm 2025 là bước đệm để TMĐT Việt Nam chuyển sang giai đoạn phát triển mới – giai đoạn thứ tư: phát triển nhanh và bền vững. Những yếu tố tạo đà cho bước ngoặt này bao gồm: Tăng trưởng GDP ổn định; Dân số trẻ, nhạy bén với công nghệ; Hệ sinh thái TMĐT ngày càng hoàn thiện (logistics, thanh toán, công nghệ số...); Sự đầu tư mạnh mẽ của cả trong và ngoài nước; Chính sách quản lý, thuế và pháp lý được cập nhật theo hướng minh bạch, chặt chẽ hơn.

Thương mại điện tử Việt Nam: Sau tăng trưởng là thời kỳ bền vững?Biểu đồ Tỷ lệ doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia sàn TMĐT qua các năm. Nguồn: VECOM

Thương mại điện tử Việt Nam: Sau tăng trưởng là thời kỳ bền vững?

Biểu đồ Tỷ lệ Doanh nghiệp tại Việt Nam có xây dựng các ứng dụng TMĐT (app) trên thiết bị di động. Nguồn: VECOM

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua là hành lang pháp lý và chính sách mới sẽ thay đổi cục diện ngành TMĐT từ năm 2025. Trước đây, việc quản lý thuế trong kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam còn khá "mở", tạo nên một hình thức khuyến khích gián tiếp. Nhưng từ năm 2025 trở đi, VECOM cho biết việc siết chặt quản lý thuế và minh bạch hóa nghĩa vụ giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn. Bên cạnh đó, lĩnh vực logistics và chuyển phát – vốn là "xương sống" của TMĐT cũng ghi nhận những con số ấn tượng. Hơn nữa, năm 2024, dịch vụ bưu chính phục vụ TMĐT đạt 2,4 tỷ kiện, tăng tới 30% so với năm 2023, cho thấy tốc độ lan tỏa mạnh mẽ của hình thức mua sắm trực tuyến.

Nhìn lại, có thể thấy TMĐT Việt Nam đã đi một chặng đường dài. Từ những nền móng ban đầu cách đây hơn hai thập kỷ, đến sự bùng nổ trong vài năm gần đây, ngành này đã và đang trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong nền kinh tế số. VECOM nhận định năm 2025 sẽ là năm bản lề, nơi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan quản lý và người tiêu dùng đều cùng nhau chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ và bền vững từ năm 2026 trở đi. Một chặng đường mới đang mở ra – nhanh hơn, lớn hơn và vững chắc hơn.

Viet Anh

Loading comments...

Bài viết liên quan

mới nhất

Quảng cáo

Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px