(TAP) – Ghi nhận thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trong tháng 3 đã tăng lên mức kỷ lục 140,5 tỷ USD, đánh dấu mức tăng 92,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính được cho là do làn sóng nhập khẩu ồ ạt của các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm tránh các mức thuế quan sắp có hiệu lực theo chính sách của Tổng thống Donald Trump.
Theo thông tin từ Cục Phân tích Kinh tế (Bureau of Economic Analysis) công bố ngày 6/5, tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ đã tăng mạnh 23,3%, với mức tăng 17,8 tỷ USD chỉ riêng trong tháng 3. Trong khi đó, xuất khẩu từ Washington, D.C ra nước ngoài chỉ tăng nhẹ, thêm 500 triệu USD. Các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh bao gồm hàng may mặc, đồ nội thất, trang sức, hàng gia dụng và dệt may, đặc biệt là dược phẩm, khiến tổng giá trị nhập khẩu hàng tiêu dùng đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Giới phân tích do tờ NBC News khảo sát nhận định, các doanh nghiệp nội địa đã gia tăng dự trữ hàng hóa trước thời điểm ngày 6/7, khi mức thuế toàn cầu mới của Tổng thống Donald Trump dự kiến có hiệu lực. Như TAP News đã thông tin, các mức thuế quan của chính quyền ông Trump, đặc biệt là đối với Trung Quốc, đã tăng lên hơn 145% và được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp nội địa đã gia tăng dự trữ hàng hóa trước thời điểm mức thuế toàn cầu mới của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực (Nguồn: Facebook “U.S. Department of Agriculture”)
Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Goldman Sachs – ông Jan Hatzius dự đoán, Chính phủ sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các ngành như dược phẩm, chất bán dẫn và phim ảnh. Ông Hatzius cũng cảnh báo về khả năng một số mức thuế đã bị tạm dừng trước đó có thể được khôi phục trong thời gian tới. Cũng theo NBC News, sự mất cân đối thương mại đã ảnh hưởng rõ rệt đến nền kinh tế quốc gia. Những nhà kinh tế của Wells Fargo đánh giá, trong Quý I/2025, tổng sản phẩm quốc nội (Gross domestic product, viết tắt: GDP) của Hoa Kỳ đã giảm 0,3%, với tác động chính đến từ xuất khẩu ròng — tức sự chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu, ghi nhận đạt mức nghiêm trọng nhất trong hơn 50 năm qua. Ngoài ra, chi tiêu của người tiêu dùng chỉ tăng 1,8%, mức tăng yếu nhất kể từ giữa năm 2023.
Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng nhập khẩu quá mức sẽ sớm hạ nhiệt trong Quý II, từ đó tạo điều kiện cho GDP tăng trưởng trở lại, một số tổ chức như Goldman Sachs vẫn đánh giá, xác suất xảy ra suy thoái trong 12 tháng lên đến khoảng 45%. Trong khi đó, Cơ quan Thống kê Canada (Statistics Canada) cũng công bố dữ liệu cùng ngày (6/5) cho biết, xuất khẩu từ nước này sang Hoa Kỳ đã giảm 6,6% trong tháng 3, đồng thời là tháng giảm thứ 02 liên tiếp. Ngược lại, xuất khẩu từ Canada sang các quốc gia khác lại tăng, với các thị trường chủ lực gồm Vương quốc Anh, Đức, Hà Lan và Hồng Kông. Dầu thô là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Canada sang hai trong số 04 thị trường này.
Các mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ đặc biệt là dược phẩm tăng mạnh thời gian qua, khiến tổng giá trị nhập khẩu hàng tiêu dùng đạt mức cao nhất từ trước đến nay (Nguồn: fda.gov)
Therion Son