(TAP) - Trong bối cảnh phiên đàm phán đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về chính sách thuế quan sẽ diễn ra vào ngày 07/5 tới, Cục Thống kê – Bộ Tài chính Việt Nam công bố báo cáo cho thấy kinh tế Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng tích cực, khởi sắc bất chấp những biến động của môi trường quốc tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam
Cụ thể, theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 được Cục Thống kê Việt Nam phát hành hôm 06/5 (giờ Việt Nam), dòng vốn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Tính đến ngày 30/4/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh tăng thêm và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,82 tỷ USD, tăng tới 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Song song đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3%, cho thấy nhà đầu tư quốc tế vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Nguồn: Cục Thống kê – Bộ Tài chính Việt Nam
Đồng thời, Việt Nam cũng mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Tính chung 4 tháng đầu năm, có 43 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận với tổng vốn đăng ký của phía Việt Nam đạt 269,2 triệu USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 12 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng mức tăng thêm 40,1 triệu USD, cao gấp 69,1 lần. Như vậy, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 309,3 triệu USD, gấp 3,1 lần cùng kỳ, phản ánh xu hướng mở rộng hoạt động toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa.
Sản xuất công nghiệp giữ vững đà tăng trưởng với chỉ số IIP tăng 8,4% ở 4 tháng đầu năm, cao hơn đáng kể mức tăng 6,3% cùng kỳ năm 2024. Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là đầu tàu, tăng 10,1% và đóng góp phần lớn vào tăng trưởng chung. Cùng với đó, lực lượng lao động ở các doanh nghiệp công nghiệp tăng 5,1% so với cùng kỳ, phản ánh tín hiệu phục hồi rõ rệt của thị trường lao động.
Nguồn: Cục Thống kê – Bộ Tài chính Việt Nam
Về đầu tư công, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng 4/2025 ước đạt 48.700 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, vốn đầu tư thực hiện đạt 165.600 tỷ đồng, bằng 18,6% kế hoạch năm và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2024 (năm trước tăng 4,4%). Kết quả này cho thấy sự cải thiện rõ rệt về tiến độ giải ngân đầu tư công, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy các công trình hạ tầng trọng điểm.
Hoạt động thương mại quốc tế tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4/2025 đạt 74,32 tỷ USD, giảm nhẹ 1,4% so với tháng trước nhưng tăng mạnh 21,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 140,34 tỷ USD (tăng 13,0%), kim ngạch nhập khẩu đạt 136,55 tỷ USD (tăng 18,6%). Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,79 tỷ USD, tuy giảm so với mức xuất siêu 9,06 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn duy trì ở mức dương – phản ánh khả năng giữ cân bằng thương mại của nền kinh tế.
Cơ cấu xuất khẩu cho thấy nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn, đạt 123,71 tỷ USD, chiếm 88,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực kinh tế trong nước đóng góp 40,74 tỷ USD (tăng 18,1%), chiếm 29%, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 99,6 tỷ USD (tăng 11%), chiếm 71%. Ở chiều ngược lại, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 93,9% tổng giá trị nhập khẩu, tương đương 128,17 tỷ USD, cho thấy nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước vẫn rất cao. Về thị trường, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD; Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt 53,2 tỷ USD.
Nguồn: Cục Thống kê – Bộ Tài chính Việt Nam
Dù vậy, tình hình doanh nghiệp vẫn ghi nhận những thách thức. Tuy có hơn 89.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 4 tháng, nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 96.500 – cho thấy sự phân hóa rõ nét và nhu cầu cấp thiết về chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn. Nhìn chung, báo cáo kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 phản ánh một bức tranh kinh tế Việt Nam với nhiều điểm sáng.
Như TAPNews từng thông tin, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cho biết phiên đàm phán đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên quan đến chính sách thuế quan mới dự kiến diễn ra vào ngày 07/5 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào sáng ngày 05/5 (giờ Việt Nam). Việc kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực ngay trước thềm đàm phán với Hoa Kỳ tạo tín hiệu tích cực, củng cố vị thế, niềm tin của các đối tác quốc tế đối với Việt Nam. Hơn nữa, là một trong sáu quốc gia được Hoa Kỳ ưu tiên đàm phán chính sách thuế quan cùng với Vương quốc Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nền kinh tế khu vực.
Trang Thanh