(TAP) - Trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang và nguy cơ xung đột quân sự ngày càng hiện hữu, một bước ngoặt mới trong quan hệ Hoa Kỳ - Iran đã mở ra vào cuối tuần khi đôi bên đồng ý tiếp tục đàm phán về chương trình hạt nhân.
Theo truyền thông trong nước (NBC News), vòng đàm phán hạt nhân lần thứ hai giữa Hoa Kỳ và Iran được tổ chức tại Rome vào ngày 19/4 vừa qua (giờ địa phương) đã khép lại với kết quả tích cực. Bộ Ngoại giao Oman (Foreign Ministry of Oman), quốc gia trung gian cho cuộc đối thoại cho biết, đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump – ông Steve Witkoff cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran (Ministry of Foreign Affairs of the Islamic Republic of Iran) – ông Abbas Araghchi đã thống nhất bắt đầu giai đoạn đàm phán tiếp theo. Trong đó, mục tiêu là đạt được thỏa thuận “công bằng, lâu dài và có tính ràng buộc” (fair, enduring and binding deal).
Các nỗ lực quốc tế vẫn đang được thúc đẩy nhằm ngăn chặn Iran đến gần hơn với vũ khí hạt nhân (Nguồn: X “@Iran_GOV”)
Tuyên bố cũng nhấn mạnh, thỏa thuận bảo đảm Iran không phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời chỉ cho phép quốc gia Trung Đông này tiếp tục phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt từ Washington, D.C cũng sẽ được dỡ bỏ nếu chính quyền Tehran (thủ đô Iran) tuân thủ đúng cam kết. Dự kiến, vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức tại thành phố Muscat (thủ đô Oman) trong vài ngày tới. Tuy nhiên, cả phía Iran và Hoa Kỳ hiện vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về kết quả hoặc nội dung cụ thể của vòng đàm phán.
Cũng theo NBC News, những tiến triển mới diễn ra trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột vũ trang. Trước thềm đàm phán, Washington, D.C đã điều động tàu sân bay thứ hai đến vùng biển Trung Đông. Trong một diễn biến khác, Tổng thống Donald Trump cũng từng cảnh báo, Iran sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu không sớm thống nhất thỏa thuận hạt nhân. Theo các nguồn tin ngoại giao, ông Trump cũng từng đe dọa tiến hành các cuộc tấn công quân sự vào các địa điểm hạt nhân của Iran nếu đối phương không nhượng bộ.
The New York Times cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ đã từ chối đề xuất từ Israel về việc tấn công Iran, thay vào đó, lãnh đạo Nhà Trắng thể hiện mong muốn theo đuổi thỏa thuận mới thông qua con đường đàm phán. Ông Donald Trump từng phát biểu trước truyền thông, cho biết muốn Iran có thể trở thành một quốc gia “thịnh vượng và tuyệt vời” miễn họ không theo đuổi vũ khí hạt nhân (I want Iran to be great and prosperous and terrific).
Nhà Trắng hiện vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về kết quả hoặc nội dung cụ thể của vòng đàm phán hạt nhân với Iran (Nguồn: White House)
Vào năm 2018 – tức dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, “Kế hoạch hành động toàn diện chung” (Joint Comprehensive Plan of Action, viết tắt: JCPOA) – thỏa thuận nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy nới lỏng lệnh trừng phạt và các điều khoản khác cho quốc gia này, bắt đầu sụp đổ khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi. Thời điểm đó, lãnh đạo Nhà Trắng chỉ trích JCPOA là “thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước đến nay” (the worst deal ever), đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran. Đáp lại, chính quyền Tehran cũng từng bước nâng mức làm giàu Uranium lên tới 60%, tiến gần đến ngưỡng 90%. “Làm giàu Uranium” (enriched uranium) là thuật ngữ để chỉ quá trình tăng tỷ lệ đồng vị của nguyên tố Uranium trong hỗn hợp tự nhiên để có thể sử dụng làm nhiên liệu hoặc vũ khí hạt nhân.
Antony Ngoc